Xây dựng sản phẩm du lịch tiêu biểu
Thực hiện mục tiêu “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, đồng thời, thực hiện 1 trong 4 việc đột phá, đổi mới mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao về góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16-6-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện việc đột phá, đổi mới cho cả nhiệm kỳ và cho từng năm, trong đó có nội dung về phát triển du lịch; xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch tiêu biểu của phụ nữ năm 2022. Trong đó, đề ra chỉ tiêu là “Xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm du lịch tiêu biểu của phụ nữ gắn với lợi thế phát triển kinh tế du lịch tại địa phương”.
Phụ nữ xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) phát triển nghề truyền thống mây tre đan. Ảnh: Cảnh Trực.
Đồng chí Phan Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, với phương châm “Ở đâu, sản phẩm nào thiết thực thì chọn sản phẩm đó”, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn thành lập 1 Nhóm cùng sở thích “Thêu dệt thổ cẩm” tại thôn Bản Đồn, xã Minh Quang (Lâm Bình) làm sản phẩm du lịch.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thường trực Hội LHPN tỉnh đã làm việc với Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Lâm Bình định hướng nội dung xây dựng sản phẩm du lịch; ban hành công văn chỉ đạo Hội LHPN huyện Lâm Bình hướng dẫn, hỗ trợ xã Minh Quang các điều kiện để thành lập Nhóm cùng sở thích “Thêu dệt thổ cẩm”. Đến thời điểm này, Nhóm cùng sở thích “Thêu dệt thổ cẩm” tại thôn Bản Đồn đã được thành lập và ra mắt, với 16 thành viên. Như vậy, mục tiêu xây dựng được 1 sản phẩm du lịch trong năm 2022 của Hội LHPN tỉnh đã hoàn thành.
Đồng chí Nông Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Quang (Lâm Bình) cho biết, sau 3 tháng thành lập, hiện các thành viên của Nhóm cùng sở thích “Thêu dệt thổ cẩm” thôn Bản Đồn đang tích cực thêu, dệt các sản phẩm gối, chăn, quần áo, khăn... thổ cẩm theo nhu cầu của khách hàng. Hội LHPN xã đã hỗ trợ nhóm lập 1 trang fanpage có tên “Thêu dệt thổ cẩm Minh Quang” để quảng cáo, giới thiệu và bán sản phẩm trên mạng xã hội. Đồng thời, định hướng cho nhóm làm các sản phẩm; tìm kiếm các đơn hàng, các nguồn hỗ trợ để nhóm ngày càng phát triển... Bước đầu, các chị em đã có một số sản phẩm trưng bày tại gian hàng của Ngày Phụ nữ khởi nghiệp và gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của huyện.
Từng bước phát huy hiệu quả các sản phẩm du lịch
Các cấp Hội phụ nữ đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, căn cứ tình hình thực tiễn, lựa chọn sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch phù hợp để thực hiện tại địa phương. Tiêu biểu như: Hội LHPN thành phố Tuyên Quang với việc tổ chức Đêm hội “Vũ điệu khỏe đẹp”, Đêm hội “Duyên dáng Phụ nữ Thành Tuyên” và nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ, dân vũ, khiêu vũ trên tuyến phố đi bộ do các cơ sở Hội phụ nữ của Hội LHPN thành phố Tuyên Quang thực hiện. Hội LHPN huyện Na Hang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Hội thi ẩm thực tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa du lịch vùng cao Na Hang năm 2022. Hội LHPN huyện Yên Sơn tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chỉnh trang khuôn viên gia đình, tham gia dịch vụ du lịch homestay; tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn văn hóa các dân tộc thiểu số... góp phần thực hiện Đề án của huyện về “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn, xã Chân Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Hội LHPN huyện Sơn Dương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội xây dựng 2 Câu lạc bộ Hát then, đàn tính...
Phụ nữ Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền về sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với phát triển du lịch. Ảnh: K.T
Hưởng ứng Năm Du lịch tỉnh 2022, Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022, để góp phần làm phong phú cho các hoạt động du lịch của thành phố, ngay từ đầu năm, Hội LHPN thành phố Tuyên Quang đã tuyên truyền tới các cơ sở Hội phụ nữ trên địa bàn duy trì và tập luyện nhảy dân vũ để xây dựng các chương trình tham gia biểu diễn tại tuyến phố đi bộ của thành phố. Mỗi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, hoạt động nhảy dân vũ lại được Hội LHPN thành phố chỉ đạo thực hiện một cách sáng tạo, với nhiều chương trình mới mẻ và các điệu nhảy sôi động, hấp dẫn. Đặc biệt, Hội LHPN thành phố còn tổ chức được Đêm hội “Duyên dáng Phụ nữ Thành Tuyên”. Tại Đêm hội, các chị em phụ nữ là hạt nhân văn hóa - văn nghệ ở cơ sở đã thực hiện các màn trình diễn trang phục áo dài, trình diễn trang phục dân tộc và các tiết mục văn hóa - văn nghệ đặc sắc… Những hoạt động sáng tạo này của Hội LHPN thành phố đã thu hút và dấu ấn với đông đảo nhân dân và du khách đến xem và cổ vũ. Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc thu hút lượng du khách đến thành phố vào dịp lễ hội với trên 120 nghìn lượt người.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phan Thị Minh Tâm cho biết, thời gian tới, để sản phẩm “Thêu, dệt thổ cẩm” ở thôn Bản Đồn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu, Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung phối hợp tìm nguồn kinh phí hỗ trợ, xây dựng, thiết kế mẫu cho sản phẩm. Hội tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh và Viettel Tuyên Quang hướng dẫn cho các cơ sở Hội đã có các sản phẩm du lịch về ứng dụng marketing số, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu sản phẩm; giới thiệu một số nền tảng ứng dụng trong quản lý kinh doanh, bán hàng; hướng dẫn, kết nối đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử thương mại điện tử như: PostMart, Voso… Cùng với đó, Hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ về phát triển du lịch, để mỗi chị em là một “đại sứ” du lịch của địa phương.
Để hỗ trợ các nhóm cùng sở thích phát triển, tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 vừa qua, Hội đã trao vốn vay không lãi suất từ nguồn xã hội hóa của Hội LHPN tỉnh huy động cho Nhóm cùng sở thích “Thêu, dệt thổ cẩm” ở thôn Bản Đồn, xã Minh Quang và Nhóm cùng sở thích “Chăn nuôi gà thả đồi” ở Chi hội phụ nữ thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn), mỗi nhóm 50 triệu đồng để duy trì và phát triển mô hình.
Gửi phản hồi
In bài viết